Diễn biến Hải_chiến_Hoàng_Sa_1974

Phát hiện hải quân Trung Quốc và đổ quân lên các đảo

Ngày 16 tháng 1 năm 1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) sau khi đưa một phái đoàn công binh Quân đoàn I Quân lực Việt Nam Cộng hòa do Thiếu tá Hồng dẫn đầu (trong đó có một người Mỹ tên Kosh thuộc Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ tại Ðà Nẵng) đi thăm dò một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa để thiết lập một phi đạo ngắn thì phát hiện hai ngư thuyền ngụy trang số 402 và số 407 của Hải quân Trung Quốc gần đảo Hữu Nhật (còn được gọi không chính xác là "đảo Cam Tuyền"), đồng thời phát hiện quân Trung Quốc chiếm đóng đảo Quang Hòa và cắm cờ Trung Quốc tại các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh (còn được gọi không chính xác là "đảo Vĩnh Lạc").

Sau khi cấp báo về Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng, HQ-16 dùng quang hiệu yêu cầu các chiến hạm Trung Quốc rời khỏi lãnh hải Việt Nam. Các chiến hạm Trung Quốc không chấp thuận yêu cầu, và cũng dùng quang hiệu yêu cầu phía Việt Nam Cộng hòa rời lãnh hải Trung Quốc.

Ngay sau đó, trong ngày 16 tháng 1 năm 1974, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Vương Văn Bắc tổ chức họp báo tố cáo tàu chiến Cộng hòa Nhân dân Trung hoa xâm phạm lãnh hải quanh các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng và đổ quân lên các đảo này.[27]

Ngày 17 tháng 1 năm 1974, Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đến Hoàng Sa chở theo một toán người nhái (biệt hải) và một đội hải kích đổ bộ xuống Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh để nhổ cờ Trung Quốc, dựng cờ Việt Nam Cộng hòa. Sau đó lính Việt Nam Cộng hòa rút trở lên tàu. Theo Hạm trưởng HQ-16, Trung tá Lê Văn Thự, toán biệt hải rời HQ-4 bằng xuồng cao su để lên HQ-16. Cùng trong ngày, hai tàu chống ngầm loại Kronstadt số 274 và 271 của Trung Quốc xuất hiện.

Sự chuẩn bị của Trung Quốc

Bích chương "Tây sa chiến ca" của Trung Quốc nói về trận chiến ở Hoàng Sa.

Đêm 17 tháng 1 năm 1974, Chu Ân Lai nhận báo cáo tình hình Hoàng Sa từ Trường Lý Lực, Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Sau đó Chu Ân Lai cùng với Diệp Kiếm Anh viết báo cáo gửi Mao Trạch Đông đề nghị phái quân ra quần đảo Hoàng Sa.[19]

Mao Trạch Đông phê vào bản báo cáo của Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh: "Đồng ý!" và nói rằng, "trận này không thể không đánh". Mao Trạch Đông giao cho Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình trực tiếp chỉ huy trận đánh tại quần đảo Hoàng Sa.[19] Đây là trận đánh đầu tiên của Đặng Tiểu Bình khi mới được phục chức sau 7 năm đi "cải tạo".[19]

Ngày 18/1/1974, Chu Ân Lai triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc để thảo luận về tình hình Hoàng Sa và lập ra ban chuyên trách năm người để đối phó với các diễn biến có thể xảy ra tại Hoàng Sa. Ban chuyên trách gồm: Diệp Kiếm Anh (chủ nhiệm ban chuyên trách), Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Đặng Tiểu Bình và Trần Tích Liên. Ban chuyên trách nghe Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Tô Chấn Hoa báo cáo sau đó quyết định tấn công hạm đội Việt Nam Cộng hòa. Đồng thời, ban chuyên trách công bố bản hướng dẫn nhằm đánh lại các Tuần dương hạm của Việt Nam Cộng hòa. Căn cứ vào bản hướng dẫn này, Hải quân Trung Quốc lập kế hoạch chuẩn bị cho chiến dịch.[14]

Theo ông Hoàng Đức Nhã (bí thư báo chí của Việt Nam Cộng hòa), quần đảo Hoàng Sa nằm khá gần các căn cứ hải quân và không quân Mỹ tại Philippines, việc Trung Quốc phái quân ra Hoàng Sa chắc chắn là không thoát khỏi sự phát hiện và theo dõi của Hải quân Mỹ.[16] Ông tin rằng việc các lãnh đạo Trung Quốc quyết định phái tàu ra Hoàng Sa mà không lo ngại sẽ dẫn tới xung đột với Mỹ, chứng tỏ rằng lãnh đạo cấp cao Mỹ - Trung Quốc đã ngầm có sự tán đồng với nhau trong việc Trung Quốc sẽ chiếm giữ Hoàng Sa, rằng khi nào Trung Quốc điều tàu thì hải quân Mỹ sẽ làm ngơ, coi như không biết chuyện đó.[16] Theo Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh thì tới năm 1974, Mỹ biết rằng họ sẽ thất bại ở Việt Nam nên đã ngầm giao Hoàng Sa lại cho Trung Quốc, nhằm mượn tay Trung Quốc ngăn cản hạm đội Liên Xô hoạt động ở vùng biển Đông.[28]

Thành lập lực lượng đối phó với Trung Quốc

Ngày 18 tháng 1 năm 1974, Phó Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh phó Hải quân Việt Nam Cộng hòa bay ra Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng để chỉ huy toàn bộ lực lượng tham chiến tại Hoàng Sa. Cũng trong sáng ngày 18 tháng 1 năm 1974, lực lượng tăng cường cho Hoàng Sa bao gồm Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) và Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) có mặt tại trận địa. Do hải hành lâu ngày chưa kịp tu bổ, HQ-10 tham chiến với một máy không dùng được, chỉ còn một máy hoạt động, radar bị hư hỏng.[29] HQ-5, do Trung tá Phạm Trọng Quỳnh chỉ huy, là soái hạm của Hải đoàn đặc nhiệm bao gồm 4 chiến hạm là HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16. Đại tá Hải quân Hà Văn Ngạc ở trên HQ-5 là người trực tiếp chỉ huy Hải đoàn.

Khoảng xế trưa ngày 18 tháng 1, Đại tá Ngạc quyết định hải đoàn sẽ phô trương lực lượng bằng một cuộc thao diễn chiến thuật để tiến về phía đảo Quang Hòa với hy vọng có thể đổ bộ chiếm lại đảo một cách hòa bình như đã làm trước đây. Bốn chiến hạm theo đội hình hàng dọc, dẫn đầu là khu trục hạm HQ-4, theo sau là tuần dương hạm HQ-5 trương hiệu kỳ hải đội, thứ ba là tuần dương hạm HQ-16 và sau cùng là hộ tống hạm HQ-10, khởi hành từ nam đảo Hoàng Sa để tiến về đảo Quang Hòa, tốc độ chừng 6 gút. Khoảng cách giữa các chiến hạm là hai lần khoảng cách tiêu chuẩn (1000 yard). Trên đường đến đảo Quang Hòa, Hải đoàn bị 2 tàu chống ngầm hạng nhẹ lớp Kronstad của Trung Quốc mang số hiệu 271 và 274 chặn đường. Hai chiếc chiến hạm khác nhỏ hơn mang số 389 và 396 vẫn ở sát bờ bắc đảo Quang Hòa. Chiến hạm 271 của Trung Quốc và soái hạm HQ-5 trao đổi với nhau bằng quang hiệu. Cả hai đều khẳng định đây là lãnh thổ của mình và yêu cầu đối phương rút lui. Để tránh đụng tàu đại tá Ngạc đưa Hải đoàn trở về phía nam đảo Hoàng Sa để theo dõi các chiến hạm Trung Quốc khi đó quay về đóng tại phía bắc và tây bắc đảo Quang Hòa.

Đổ bộ thất bại

Theo Hạm trưởng HQ-16, Trung tá Lê Văn Thự, khoảng 10 giờ sáng ngày 18 tháng 1, Đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh cho ông đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa sau đó cho toán biệt hải đổ bộ lên đảo Quang Hòa và một toán của HQ-16 lên giữ đảo Quang Ảnh. Sau khi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, HQ-16 tiến đến gần đảo Quang Hòa đổ bộ toán biệt hải lên đảo thì một tàu Trung Quốc xuất hiện, cản trước mũi, không cho HQ-16 tiến gần đến đảo. Hai tàu cọ vào nhau làm tàu Trung Quốc hư hại nhẹ. Theo Trung tá Thự, tàu Trung Quốc mang số hiệu 271, dài chừng 70 mét, có súng tương đương với súng 76.2 ly, 40 ly, 20 ly và đại liên 12,7 ly của HQ-16. HQ-16 chuyển hướng sau đó cho biệt hải dùng xuồng cao su tấn công từ mặt Nam của đảo Quang Hòa từ khoảng cách 1-2 hải lý. Cuộc đổ bộ thất bại. Một thiếu úy biệt hải bị bắn chết. Toán biệt hải trở về HQ-16. Chiều ngày 18 tháng 1, khoảng 6 giờ, Đại tá Ngạc gọi máy cho Trung tá Lê Văn Thự và ra lệnh cho ông chỉ huy HQ-10, bằng mọi giá phải đổ bộ cho được toán biệt hải lên đảo Quang Hòa. Sau khi nhận lệnh này, HQ-16 không còn liên lạc được với đại tá Ngạc trên soái hạm HQ-5, tàu HQ-4 hay Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải do máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung Quốc phá sóng. HQ-16 chỉ còn liên lạc được với HQ-10. Những ngày sau đó do bị thương khi hải chiến với tàu Trung Quốc, HQ-16 không thể chấp hành lệnh đổ bộ của Đại tá Ngạc.[21]

Vào khoảng 23 giờ ngày 18 tháng 1, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh ban hành Lệnh Hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại một cách hòa bình các đảo Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh. Đại tá Hà Văn Ngạc chia lực lượng tham chiến thành hai phân đoàn đặc nhiệm: Phân đoàn I là chủ lực gồm Khu trục hạm HQ-4 và Tuần dương hạm HQ-5 do Hạm trưởng Khu trục hạm HQ-4 chỉ huy; Phân đoàn II có nhiệm vụ yểm trợ gồm Tuần dương hạm HQ-16 và Hộ tống hạm HQ-10 do Hạm trưởng Tuần dương hạm HQ-16 chỉ huy.

Theo tài liệu của Tổng cục Chiến tranh Chính trị và tường thuật của Đại tá Hà Văn Ngạc, 8 giờ 30 ngày 19 tháng 1, hai nhóm Biệt hải của Việt Nam Cộng hòa gồm 74 người do Ðại úy Nguyễn Minh Cảnh chỉ huy tiếp tục đổ quân vào đảo Quang Hòa. Đại tá Ngạc chỉ thị lực lượng này không được nổ súng trước và có nhiệm vụ yêu cầu toán quân Trung Quốc rời đảo. Trên đảo đang có một đại đội của Hải quân Trung Quốc trấn giữ. Theo báo cáo của Biệt đội trưởng, chiến sĩ Ðỗ Văn Long là người đầu tiên tiến vào đảo và vừa nổ súng vừa tiến vào trong nên đã bị hỏa lực trong bờ bắn tử thương ngay tại bãi biển. Sau đó Trung úy Lê Văn Ðơn cũng tử thương. Việc đổ bộ thất bại. Hai toán Biệt hải được lệnh rút về HQ-5. Tổng số thương vong của Hải quân Việt Nam Cộng hòa gồm 2 người chết và 2 bị thương.[30]

Theo ông Lê Văn Thự, việc đổ quân thất bại là do kế hoạch quá sơ sài. Muốn đánh bại quân Trung Quốc trên đảo mà chỉ đổ bộ một toán người nhái 9, 10 người thì khó mà thành công, lại thiếu tiếp tế lương thực, nước uống và vật dụng thì cũng khó mà giữ đảo.

Hải quân Việt Nam Cộng hòa khai chiến

Việc đổ bộ thất bại được báo cáo ngay về Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải. Chừng ít phút sau đó (vào khoảng 9 giờ 30 sáng) Phó Đô đốc Hải quân Việt Nam Cộng hòa Hồ Văn Kỳ Thoại theo chỉ thị của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu[31][32] ra khẩu lệnh vắn tắt "khai hỏa" cho Đại tá Ngạc trên băng siêu tần số SSB (single side band) và không có chi tiết gì khác hơn.[20]

Ban đầu Đại tá Ngạc dự định cho hạm đội bắn pháo lên đảo để dọn đường cho lính thủy đổ bộ. Sau đó do các Hạm trưởng khác phản đối, Đại tá Ngạc quyết định tiêu diệt các tàu Trung Quốc trước. Lúc 10 giờ 22 cùng ngày, 2 chiến hạm của phía Việt Nam Cộng hòa là HQ-16 và HQ-10 tiến vào lòng chảo Hoàng Sa theo thế gọng kìm, nổ súng trước vào các tàu chiến Trung Quốc đang neo đậu trong khu vực này. Các tàu Trung Quốc tích cực di chuyển và phản kích dữ dội. Hai chiến hạm còn lại của Việt Nam Cộng hòa là HQ-4 và HQ-5 cũng tiến vào lòng chảo, tham chiến từ phía tây nam. Vì tầm quan sát rất hạn chế, nên từ Tuần dương hạm HQ-5 không quan sát được Tuần dương hạm HQ-16 và Hộ tống hạm HQ-10. Do máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung Quốc phá sóng nên Soái hạm chỉ có thể liên lạc với các chiến hạm còn lại bằng máy PRC 25 nên việc liên lạc giữa các chiến hạm không liên tục và ổn định.

Tình hình chiến sự

Sau vài phút hải chiến HQ-4 chỉ bị thiệt hại nhẹ nhưng do "trở ngại tác xạ", không phát huy được hỏa lực, nên tàu này lùi ra xa và không tham chiến tiếp, sau đó thì rút chạy luôn. Sau khoảng 15 phút giao chiến, HQ-10 bị hư khẩu pháo chính 76 li trước mũi tàu, tàu bị bắn xối xả, bốc cháy tại chỗ; Hạm trưởng là Ngụy Văn Thà tử trận vì bị mảnh đạn phạt ngang cổ, Đại úy Hạm phó Trí bị thương nặng vẫn cố điều khiển HQ-10 húc vào tàu đối phương, ngay sau đó thì Đại úy Trí ra lệnh thủy thủ bỏ tàu nhảy xuống biển.[29] HQ-16 trúng đạn pháo 127 ly của HQ-5 bắn nhầm, viên đạn xuyên thủng hầm máy khiến tàu bị nghiêng trên 10 độ, tàu mất khả năng chiến đấu và phải rút lui về phía tây. Theo trưởng khối hành quân của HQ-5 là Bùi Ngọc Nở, thì sau 15 phút chiến đấu, tàu HQ-5 bị trúng đạn pháo của địch khiến các khẩu pháo 127 ly và (10 nòng pháo) 40 ly bị vô hiệu hoá.[23] Nhưng Hạm trưởng HQ-16 là Lê Văn Thự thì cho rằng tàu HQ-5 không hề bị hư hại gì trong trận đánh, việc ông Bùi Ngọc Nở nói tàu bị hư hại nặng chỉ là để biện hộ cho việc HQ-5 rút chạy sớm khỏi trận đánh.[21]

Tài liệu Trung Quốc thì ghi nhận: các chỉ huy Trung Quốc nhận thức rõ sự yếu thế về trang bị và vũ khí so với đối phương (tàu vừa nhỏ vừa cũ kỹ, công nghệ lạc hậu), nên họ đã có sự chuẩn bị kỹ về chiến thuật và tinh thần. Ngay sau khi nổ ra giao chiến, các tàu Trung Quốc lập tức cơ động, áp sát tàu địch càng gần càng tốt để hạn chế ưu thế về radar và pháo cỡ lớn của đối phương. Có những lúc, tàu chiến của họ chỉ cách chiếc HQ-10 khoảng 300 mét. Dù tàu nhỏ hơn nhưng các thủy thủ Trung Quốc đã dũng cảm không rời vị trí, họ dùng cả súng bộ binh và súng phóng lựu để nã vào tàu đối phương. Nỗ lực của Trung Quốc đã có kết quả: tàu HQ-10 bị trúng đạn vào đài chỉ huy, Hạm trưởng bị thương và hỏa lực trên tàu bị vô hiệu hóa, thủy thủ trên HQ-10 thì bỏ tàu nhảy xuống biển.[3]

Việc các tàu Trung Quốc dùng chiến thuật đánh cận chiến với HQ-10, HQ-16 cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao: các tàu Trung Quốc sẽ bị hở sườn và phơi mình trước hỏa lực mạnh trên hai tàu HQ-4, HQ-5 đang khai hỏa từ một hướng khác. Các tàu Trung Quốc đang tập trung đánh HQ-10 và HQ-16, nên HQ-4 và HQ-5 không lo bị bắn, các tàu này chỉ cần ung dung bật radar ngắm bắn tự động và nã pháo từ xa, chỉ cần 1 phát đạn pháo 127mm bắn trúng đích là đủ để đánh chìm hoặc làm hỏng nặng 1 tàu Trung Quốc. Nhưng điều bất ngờ là HQ-4, HQ-5 chỉ khai hỏa chút ít rồi quay đầu rút chạy, bỏ mặc 2 tàu đồng đội đang phải chống đỡ tàu Trung Quốc áp sát.[21]

Theo lời kể của Lê Văn Thự, chỉ huy tàu HQ-16 thì: Phân đoàn II (gồm HQ-16 và HQ-10) là cánh tham chiến chủ yếu, còn Phân đoàn I (gồm HQ-4 và HQ-5) chỉ ở bên ngoài "nhìn và đợi". Và vì quá lo sợ Trung Quốc nên tin chắc thế nào Phân đoàn II cũng bị đánh chìm, Đại tá Hà Văn Ngạc đã ra lệnh HQ-5 bắn vào lòng chảo 5 - 7 phát trước khi rút lui. Mấy phát đạn này lại bắn trúng vào đồng đội là chiếc HQ-16, khiến tàu HQ-16 bị hỏng nặng[21] Cũng theo Lê Văn Thự thì:

Chừng khoảng phút thứ 20 hay 30, tôi thấy một tàu Trung Quốc bốc khói, một tàu khác có lẽ bị trúng đạn làm hư hệ thống tay lái nên tàu cứ xoay quanh như gà trống chạy lòng vòng trước khi đạp mái.Tiếp đến HQ-10 báo cáo Hạm trưởng bị thương. Tôi ra lệnh Hạm phó lên thay quyền chỉ huy, đồng thời đặt ống nhòm nhìn sang HQ-10 tôi thấy một ngọn lửa nhỏ cháy ở đài chỉ huy có thể dập tắt được bằng bình CO2 mà sao không ai làm. Quan sát phía sau lái HQ-10 tôi thấy bốn, năm cái đầu nhấp nhô trên mặt biển. Tôi không biết chuyện gì xảy ra trên HQ-10 vì không nghe báo cáo gì thêm. Tôi đoán chừng vì Hạm trưởng bị thương nặng nên HQ-10 như rắn mất đầu. Một số thủy thủ nhát gan sợ tàu cháy hay trúng đạn nổ nên đã bỏ tàu nhảy xuống biển. Nhưng HQ-10 vẫn nổi bình thường, thăng bằng, không nghiêng một chút nào cả.Trận chiến Hoàng Sa rất giản dị, chẳng có chiến thuật gì rắc rối, phức tạp cả. Tôi chỉ khai thác sơ hở của ba chiến hạm Trung Quốc tập trung một chỗ trong lòng chảo để tấn công. Nếu thủy thủ đoàn HQ-16 và HQ-10 có kinh nghiệm tác xạ, HQ-16 không bị trúng đạn của đồng đội (HQ-5) và Hạm trưởng HQ-10 không bị thương thì chắc chắn ba tàu Trung Quốc phải bị đánh chìm. Tôi còn nghi vấn về Hạm trưởng HQ-10 bị thương là do đạn của Trung Quốc hay cũng bị trúng đạn của đồng đội là HQ-4, HQ-5.[21]

Khoảng 11 giờ 25, sau khi nhận được tin HQ-16 trúng đạn và mất liên lạc với HQ-10, Đại tá Ngạc ra lệnh cho HQ-4 và HQ-5 rút lui về phía đông nam, hướng về vịnh Subic, Philippines. Sau này, Đại tá Ngạc giải thích rằng ông đã phát hiện một chiến hạm của Trung Quốc có trang bị mỗi bên 1 dàn phóng hỏa tiễn chống hạm, cách xa chừng 8 đến 10 hải lý đang tiến vào vùng giao tranh với một tốc độ cao. Ông nghĩ rằng Hải đội không thể để bị thiệt hại một Khu trục hạm trong khi Hải quân Việt Nam Cộng hòa chỉ có tổng cộng 2 chiếc.[20] Nhưng theo Trung tá Lê Văn Thự, Đại tá Ngạc ra lệnh rút lui vì "lo sợ cả phản lực cơ và Tiềm thủy đĩnh Trung Quốc nên không còn tinh thần để chiến đấu nữa". Lê Văn Thự cho rằng chuyện phía đông xuất hiện một chiến hạm Trung Quốc có trang bị hỏa tiễn chỉ là tưởng tượng của ông Ngạc vì "cách xa chừng 8 đến 10 hải lý (khoảng 18 km) khó mà thấy được mỗi bên một giàn phóng hỏa tiễn".[21] Nhận định của Lê Văn Thự là phù hợp với các tài liệu Trung Quốc (trong trận này, các tàu của Trung Quốc đều là tàu săn ngầm cỡ nhỏ, không được trang bị hỏa tiễn, cái gọi là "hỏa tiễn" thực ra chỉ là đạn súng chống tăng vác vai[3]).

Theo tài liệu Trung Quốc, đến thời điểm 11h20, cả bốn tàu của họ đều bị hư hại (một tàu phải ủi bãi, một tàu bốc cháy), đạn dược cũng sắp hết. Nếu trận hải chiến kéo dài hơn thì khó có thể nói trước ai sẽ chiến thắng. Tuy nhiên, đúng lúc này thì đội tàu của Việt Nam Cộng hòa quay đầu tháo lui, bỏ lại HQ-10 đang bị hỏng nặng. Một lúc sau, 2 tàu chống ngầm số hiệu 281 và 282 của Trung Quốc đến nơi khi trận đánh đã kết thúc. 2 tàu này đánh chìm HQ-10 bằng 2 loạt đạn.[33]

Việt Nam Cộng hòa rút lui

Trong thời gian xảy ra chiến sự, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa nhận được thông báo của Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn, cho biết radar Đệ thất Hạm đội ghi nhận một số tàu chiến và chiến đấu cơ từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Số tàu chiến chi viện của Trung Quốc vẫn chưa được xác định chính xác nhưng có thể bao gồm 2 tàu chống ngầm số hiệu 281 và 282 thuộc lớp tàu Hải Nam. Phó Đô đốc Hải quân Việt Nam Cộng hòa Hồ Văn Kỳ Thoại cho biết họ phải quyết định rút lui khi cố vấn Hoa Kỳ cho biết 17 chiến hạm của Trung Quốc trong đó có 4 tàu ngầm đang trên đường tới khu vực và khả năng là sẽ có phi cơ phản lực tới từ đảo Hải Nam nếu Việt Nam Cộng hòa quyết định tăng viện 2 chiến hạm cho Hoàng Sa, nhưng phía Việt Nam Cộng hòa chỉ có phi cơ khu trục F-5 thuộc Sư đoàn 1 Không quân tuy đang sẵn sàng hỗ trợ cho hải đội tại Hoàng Sa nhưng lại không đủ sức hoạt động lâu tại đây.[32]

Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa sau đó yêu cầu Hạm đội 7 trợ giúp, nhưng phía Mỹ từ chối,[31] thậm chí Hạm đội 7 từ chối cả việc cứu những thủy thủ của tàu HQ-10 đang trôi dạt trên biển.[34] Sau khi Bộ Tư lệnh cân nhắc tương quan lực lượng, các chiến hạm Việt Nam Cộng hòa được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa.[35]

Sau trận đánh, đội hình của Việt Nam Cộng hòa bị tan rã:

  • HQ-10 chìm tại trận
  • HQ-16 bị hỏng nặng, quay đầu chạy về Đà Nẵng. Trên đường rút lui, HQ-16 đưa 8 quân nhân lên giữ đảo Hoàng Sa.
  • HQ-4 còn nguyên vẹn, còn HQ-5 thì không rõ tình trạng, 2 tàu này tìm cách vòng qua Hoàng Sa để chạy sang Phillipines. Khoảng 14 giờ 30 ngày 19/01/1974, khi ngang qua đảo Tri Tôn thì HQ-5 được lệnh của Tư lệnh Hải quân từ Ðà Nẵng: "HQ-4 và HQ-5 phải quay trở lại Hoàng Sa, nếu cần thì ủi bãi". Nhưng các tàu này không hề quay lại và không lâu sau đó có một lệnh tiếp theo từ Ðà Nẵng, lệnh cho HQ-4 và HQ-5 trở về Ðà Nẵng.

Đêm hôm đó, 3 chiến hạm Việt Nam Cộng hòa bị hư hại rút về tới căn cứ. Về đến Đà Nẵng, khi kiểm tra thì mới biết HQ-16 trúng một viên đạn 127mm bắn cầu vồng từ HQ-5 rơi xuống nước gặp sức cản của nước bị lệch hướng rồi đâm vào lườn tàu HQ-16 dưới mặt nước. Theo tường thuật của Trung tá Lê Văn Thự: "Viên đạn xước qua một góc máy điện, xuyên đứt cánh tay Trung sĩ Điện khí Xuân kế đó rồi chui vào kho điện khí ở một góc hầm máy và nằm ở đó". Trung tá Lê Văn Thự nói rằng HQ-16 đã gặp may, vì nếu viên đạn 127mm mà nổ thì HQ-16 sẽ chìm tại chỗ, và cũng chẳng còn chứng cứ nào để bóc trần việc HQ-5 đã bắn vào đồng đội.[21]

Hộ tống hạm HQ-10 bị trúng đạn, hư hại nặng và chìm. Trung tá Lê Văn Thự còn tỏ ý nghi ngờ rằng HQ-10 cũng đã bị tàu đồng đội là HQ-4, HQ-5 bắn vào chứ không chỉ bị trúng đạn của Trung Quốc[21]

HQ-4 rút lui ngay từ đầu do "trở ngại tác xạ" nên chỉ bị thiệt hại nhẹ. Về tàu HQ-5 thì lời kể có nhiều mâu thuẫn. Theo sĩ quan Bùi Ngọc Nở thì HQ-5 thiệt hại rất nặng: "đếm được tất cả là 102 lỗ đạn đại bác 100 ly, còn đạn đại bác 37 ly lỗ nhỏ hơn và nhiều không đếm được, riêng đài chỉ huy trúng mười mấy trái đại bác 100 ly nhưng may mắn là nhờ hai lớp thép bảo vệ nên khi xuyên qua hai lớp thép này thì hết tầm"[23] (thực ra tàu Trung Quốc không có pháo 100mm mà chỉ có pháo 85mm). Tuy nhiên, theo Hạm trưởng HQ-16 là Lê Văn Thự thì "Sự thật HQ-4 và HQ-5 chẳng bị trầy một mảnh sơn nào cả. Cả Hải quân đều biết. Vì thế cho nên chỉ một mình HQ-16 được tiếp đón ở Sài Gòn và gắn huy chương chứ không có Đại tá Ngạc hay HQ-4 và HQ-5".[21]

Trung Quốc chiếm toàn bộ Hoàng Sa

Trong khi chiến sự đang diễn ra tại Hoàng Sa, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Tô Chấn Hoa báo cáo lên Mao Trạch Đông đề nghị cho phép quân đội Trung Quốc chiếm tất cả các đảo do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Mao đã chấp thuận đề nghị này.[14] Khi hải chiến Hoàng Sa kết thúc, sau khi nghe báo cáo, Đặng Tiểu Bình đã chỉ thị cho Quân khu Quảng Châu tiếp tục đánh chiếm các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật và Quang Ảnh.[19]

Ngày 20 tháng 1, tàu Trung Quốc bắn pháo vào các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh và Hoàng Sa. Trung Quốc pháo kích vào các đảo suốt 1 giờ, nhưng điều kỳ lạ là các phát bắn không trúng bất cứ công trình nào, cũng không gây ra bất cứ thương vong nào. Có thể vì Trung Quốc e ngại có người Mỹ trên đảo, nếu gây sát thương cho người Mỹ thì sẽ gặp rắc rối ngoại giao, nên tàu Trung Quốc chỉ bắn để hăm dọa chứ không nhằm tiêu diệt đối phương trên đảo[36].

Tiếp đó, quân Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của Việt Nam Cộng hòa trên các đảo này. Sau 20 phút, lực lượng của Việt Nam Cộng hòa trên các đảo bị mất liên lạc với đất liền.[37]

Hải quân Trung Quốc thời đó chưa có tàu đổ bộ chuyên dụng, tất cả binh sỹ của họ được đưa ra Hoàng Sa bằng các tàu đánh cá. Theo bản tường trình của cố vấn Gerald Kosh (hiện nay đã được công bố), phía Trung Quốc chỉ có xuồng cao su nên chỉ chở được bộ binh trang bị ở mức cơ bản: AK-47 hoặc súng Carbin, họ không sử dụng vũ khí hạng nặng (đại liên, súng cối), cũng không có xe tăng lội nước hoặc xe thiết giáp yểm trợ. Do trang bị đổ bộ thiếu thốn nên Trung Quốc dự tính thương vong khi đổ bộ sẽ khá cao nếu bị quân Việt Nam Cộng hòa bắn trả. Để bù đắp việc thiếu hụt trang bị, Trung Quốc đã huy động số quân đổ bộ khá lớn: khoảng 500 lính Trung Quốc được huy động cho chiến dịch đổ bộ[36]

Lực lượng của Việt Nam Cộng hòa trên các đảo bao gồm 1 trung đội (khoảng 48 lính và sĩ quan), có thêm 1 cố vấn Mỹ là Gerald Kosh. Trang bị của đơn vị này gồm: mỗi lính đều có một khẩu súng trường M16 và nhiều băng đạn, ngoài ra còn có 1 súng cối 60mm và 1 súng đại liên. Với trang bị tốt cộng thêm công sự phòng ngự, lực lượng này có thể chặn đứng quân Trung Quốc đổ bộ đông gấp nhiều lần, cầm cự chờ chi viện từ đất liền.

Tuy nhiên, diễn biến cuộc đổ bộ thuận lợi đến bất ngờ cho phía Trung Quốc: quân Việt Nam Cộng hòa không bắn trả nên quân Trung Quốc không chịu bất kỳ thương vong nào.[33] Quân Trung Quốc nhanh chóng chiếm các đảo vì quân Việt Nam Cộng hòa đóng trên các đảo đã bỏ vị trí chiến đấu, chạy vào khu lùm cây giữa đảo rồi buông súng đầu hàng ở đó. Đến trưa thì lính Trung Quốc đã bắt được 49 tù binh gồm 1 người Mỹ, 23 lính địa phương quân, 6 sĩ quan Quân đoàn 1, 5 nhân viên khí tượng, 1 sĩ quan và 14 quân nhân hải quân.[38]

Theo lời binh nhì Nguyễn Ðức, từng đóng ở Hoàng Sa khi trận đánh diễn ra, thì quân Việt Nam Cộng hòa đóng ở trên đồi, ngồi trong lô cốt, cơ số đạn trang bị có thể tiêu diệt số lượng quân gấp mười lần số lính Trung Quốc đang đổ bộ. Nhưng rồi tất cả đã đầu hàng mà không chống trả[39]:

“Ông cố vấn người Mỹ nói sao đó với chỉ huy trưởng, sau đó có lệnh đầu hàng, chúng tôi phải cởi áo trắng cắm làm cờ và chạy lên phía rừng, thả súng chờ quân Trung Quốc tới bắt. Cuối cùng bị bắt sang Trung Quốc, chuyện là vậy, ông cố vấn Mỹ khi sang Trung Quốc thì không thấy đâu nữa, chỉ có chúng tôi gồm 43 người, kể cả chỉ huy. Nói chung là cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao lại có chuyện tự dưng đang thắng lại chuyển sang bại, đang đánh lại đầu hàng và vì sao chúng tôi được đối xử không tệ trong nhà tù?”

Theo bản tường trình của cố vấn Gerald Kosh, phía Trung Quốc đối xử khá tốt với tù binh, có lẽ vì thấy quân Việt Nam Cộng hòa không chống trả gì. Ban đầu, một số nhỏ tù binh bị trói tay bằng những sợi dây nhỏ, nhưng đến khi củng cố xong, tất cả tù binh đều được cởi trói. 48 tù binh được canh chừng bởi khoảng từ 35 đến 40 lính Trung Quốc, mỗi tù binh được cho uống nước và được mời hút thuốc lá, họ chỉ không được phép nói chuyện riêng. Sau khi khám xét, lính Trung Quốc trả lại cho họ đồ dùng cá nhân không liên quan đến quân sự (kể cả tiền bạc). Nhiếp ảnh viên Trung Quốc sử dụng máy ảnh Leica chụp rất nhiều hình tù binh, có vài bức hình chụp cả nhóm tù binh đứng chung với sỹ quan Trung Quốc. Sau này, khi được thả về nước, mỗi tù binh còn được Trung Quốc tặng quà, bao gồm cả những bức tranh vẽ gấu trúc khá đẹp[36]

Cựu Thiếu tá Phạm Văn Hồng, Phó Chỉ huy HQ-16 tham chiến trong trận đánh, đặt nghi vấn về vai trò rất quan trọng của viên cố vấn Mỹ có tên Gerald Kosh trong trận đánh Hoàng Sa. Theo ông Hồng, trận hải chiến Hoàng Sa không phải là một trận chiến tình cờ, trái lại, tất cả đều được Mỹ sắp xếp kỹ lưỡng từ trước. Trong lúc trò truyện, ông Hồng được biết Gerald Kosh vốn là Trung úy thuộc lực lượng đặc biệt mũ xanh (lực lượng biệt kích tinh nhuệ trong quân đội Mỹ), nay sang làm tại tòa Lãnh sự. Ông Hồng thấy Gerald Kosh mang tới 20 gói thuốc lá rồi một túi nhỏ đựng rất nhiều đồ mưu sinh thoát hiểm như lưới, bẫy sập, lưỡi câu... Đêm 18/1, đúng đêm hôm trước trận đánh, Gerald Kosh đòi lên đảo chứ không chịu ở trên tàu vì "sợ không an toàn". Đến ngày 19/1, khi bị bắt, lính Trung Quốc nói chuyện với Gerald Kosh bằng tiếng Anh (đây là điều bất thường vì binh sĩ Trung Quốc hồi đó rất hiếm người biết tiếng Anh, chứng tỏ phía Trung Quốc đã biết rõ trên đảo có người Mỹ). Về sau, ông Hồng nghĩ lại và nghi ngờ Gerald Kosh đã biết trước sẽ xảy ra hải chiến và đã chuẩn bị trước cho những tình huống tiếp theo.

Theo tiến sĩ Balazs Szalontai - một nhà nghiên cứu độc lập ở Hungary, Trung Quốc quyết định chiếm quần đảo Hoàng Sa trước khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ - nghĩa là trước khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể chiếm quần đảo.[40]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hải_chiến_Hoàng_Sa_1974 http://jx.people.com.cn/BIG5/n/2014/0526/c186330-2... http://jx.people.com.cn/BIG5/n/2014/0526/c186330-2... http://jx.people.com.cn/BIG5/n/2014/0526/c186330-2... http://jx.people.com.cn/BIG5/n/2014/0526/c186330-2... http://news.sina.com.cn/s/p/2011-11-30/06542354832... http://www.andrewerickson.com/wp-content/uploads/2... http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2012/06/120614... http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2013/01/130123... http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2013/12/131230... http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2011/09/1...